Liên kết website
 Thông tin cần biết
 Số lượt truy cập
 Tin tức - Sự kiện

Hạ tầng giao thông ở Đồng Nai: Vướng mắc lớn về mặt bằng thi công

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng hàng loạt dự án (DA) giao thông trọng điểm quốc gia, cùng một số DA đường tỉnh (ĐT) quan trọng khác. Theo nhận định, trong những năm tới, mạng lưới giao thông ở Đồng Nai sẽ được kết nối đồng bộ, hiện đại.

ính đến nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng hàng loạt dự án (DA) giao thông trọng điểm quốc gia, cùng một số DA đường tỉnh (ĐT) quan trọng khác. Theo nhận định, trong những năm tới, mạng lưới giao thông ở Đồng Nai sẽ được kết nối đồng bộ, hiện đại... 

Một trong những DA sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012 là QL51. Đây là công trình nâng cấp, mở rộng 8 làn xe, tổng mức đầu tư lên đến 3.200 tỷ đồng. Khi hoàn thành, QL51 góp phần giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trên cung đường này. Trên QL51 còn nối với một số đường nhánh đi đến các khu vực, như: ngã tư QL51 - Lộc An (thị trấn Long Thành) giao với đoạn một ĐT769 đi về hướng đông bắc đến ngã tư Dầu Giây; QL51 - ĐT 769 (đoạn hai) đến phà Cát Lái; ngã ba Cầu Xéo, giao lộ với tỉnh lộ 25A gần thị trấn Long Thành, dẫn đến Nhơn Trạch.


* Những dự án thúc đẩy phát triển kinh tế

Hiện tại, ngoài QL51 còn có những DA giao thông trọng điểm khác cũng đang được triển khai thi công. Chẳng hạn cầu Đồng Nai mới  và tuyến hai đầu cầu. Đây là công trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông của cả TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai trong những năm tới. Hay như QL1A đoạn tránh Biên Hòa (khởi công ngày 24-7-2010) có chiều dài 17,4km, điểm đầu tại khu vực nhà thờ Trà Cổ, huyện Trảng Bom, điểm cuối giao với QL51, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Tuyến tránh TP.Biên Hòa sau khi xây dựng xong sẽ giải tỏa áp lực lưu thông trên tuyến QL1A đoạn qua TP.Biên Hòa; đồng thời nối hệ thống giao thông khu vực với trục QL1, QL51, đường vành đai TP. Biên Hòa và sân bay quốc tế Long Thành.

* Theo dự báo, đến năm 2020 khu vực các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hình thành những trung tâm công nghiệp bề thế. Khi đó, một loạt đô thị lớn như Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)... sẽ mọc lên. Tuy nhiên hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chịu sức ép bởi hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng quá tải, nhiều công trình gần như triển khai đồng loạt nhưng lại thi công trì trệ, kéo dài.

 

Riêng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (khởi công ngày 3-10-2010) dài gần 55km, tốc độ thiết kế 120km/giờ, đi qua các quận 2, 9 (TP.Hồ Chí Minh) và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất. Đây là tuyến đường được kỳ vọng kết nối hoàn thiện hệ thống đường giao thông khu kinh tế trọng điểm phía Nam, tiến tới đẩy nhanh sự hình thành các khu đô thị vệ tinh của TP.Hồ Chí Minh như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Xuân Lộc (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Bên cạnh các DA giao thông quốc gia, trên địa bàn tỉnh còn có những DA đường tỉnh cũng đang thi công, như: ĐT767 từ ngã ba Bùi Chu (Trảng Bom) vào Trị An; ĐT768 - ngã ba Gạc Nai - TP. Biên Hòa đi Vĩnh Cửu; đoạn II ĐT769 - QL51 đến phà Cát Lái (Nhơn Trạch) đều là những tuyến đường huyết mạch, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội trong khu vực phát triển.

 * Tháo gỡ  vướng mắc mặt bằng thi công

Theo đánh giá của Bộ Giao thông - vận tải, mai này Đồng Nai sẽ trở thành “đại công trường” với hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông. Trong khoảng 5 năm tới, hệ thống giao thông ở Đồng Nai thuộc diện hiện đại với những điểm kết nối, giao cắt một cách đồng bộ, hợp lý. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất hiện nay là tiến độ thi công tại tất cả các DA đều rất chậm. Nguyên nhân cơ bản là do công tác giải phóng mặt bằng không đúng kế hoạch. 

Đơn cử DA QL51 mở rộng, thi công gần 2 năm nhưng đến nay vẫn bề bộn, một số khu vực chưa giải tỏa được. Đáng kể là tại phường Long Bình Tân (Biên Hòa), nhiều hộ dân tiếp tục khiếu nại đòi đền bù đối với DA cũ từ năm 1997-2000. Tương tự là DA cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu, đoạn thuộc phường Long Bình Tân, nhiều hộ dân không đồng ý giao đất; trong khi đó kinh phí dành cho công tác giải phóng mặt bằng từ Trung ương chậm chuyển cho địa phương. Những DA khác như: QL1 đoạn tránh Biên Hòa, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long thành - Dầu Giây cũng gặp trở ngại, vướng mắc khi không có mặt bằng thi công. Với các DA đường tỉnh cũng không nằm ngoại lệ.

* Ngoài những DA giao thông đang thi công, trên địa bàn Đồng Nai sẽ còn một số DA khác chuẩn bị được triển khai, như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Long Thành - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến cầu đường quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) - Nhơn Trạch, đường liên cảng Cát Lái - Ông Kèo, DA cảng biển nhóm 5 nối với hệ thống giao thông đường bộ nhằm vận chuyển hàng hóa ra vào cảng, ĐT An Hòa - 319 (nút giao với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây)… Những DA này mai đây sẽ kết nối liên vùng, tạo thành những hành lang thuận lợi để phát triển kinh tế bền vững…

 

Thực tế, nếu chính quyền các địa phương có trách nhiệm hơn trong việc vận động nhân dân bàn giao mặt bằng thì nhiều khả năng DA sẽ chuyển động theo chiều hướng tích cực. Đằng này, tại một số DA, các phòng ban chuyên trách của huyện và xã hầu như làm việc một cách đủng đỉnh và máy móc nên tiến độ cứ diễn tiến theo kiểu… tà tà. Ví dụ, DA nâng cấp, mở rộng ĐT767, ngay từ tháng 5-2010, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã chỉ đạo: “Giao cho UBND huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng qua sự cam kết cụ thể, kết quả thực hiện phải báo cáo UBND tỉnh trong tháng 5”. Thế nhưng đến nay, nhiều hộ dân vẫn không đồng ý giao mặt bằng. Đề cập về vấn đề này, không ít hộ dân tỏ thái độ bực bội: “Rất nhiều lần, Hội đồng bồi thường đến đo, vẽ, thu thập thông tin về thửa đất bị thu hồi, xong chẳng thấy quay trở lại. Chúng tôi muốn chia sẻ, cộng tác với cơ quan chức năng với điều kiện chính quyền địa phương phải cam kết rõ ràng về khoản đền bù đúng quy định thì hộ bị thu hồi đất sẵn sàng giao mặt bằng trước. Song hàng năm qua, chẳng thấy ai đả động gì nên người dân cảm thấy bất an, một khi tài sản của mình chẳng biết sẽ ra sao?”.  

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, ở “thì tương lai”, Đồng Nai là địa phương có mạng lưới giao thông hoàn thiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Đồng Nai và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng tiến độ thi công thời gian qua chưa được như mong muốn. Còn kéo dài tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gây mất an toàn giao thông.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, mấu chốt chính là bộ máy phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, xử lý hồ sơ địa chính không đáp ứng được yêu cầu. Nếu không quyết tâm khắc phục, sẽ dễ trở thành “bệnh”, rất khó chữa.

(Nguồn Báo Đồng Nai)




Các tin khác trong chuyên mục

>> Xác định vị trí xây dựng cầu đường bộ Đồng Nai lớn (21/11/2011)

>> Thông xe cầu Thủ Thiêm (21/11/2011)

>> Thi công đường ĐCD.02 - Đoạn 1 từ Km1+050 đến Km1+983,9 KCN Giang Điền - H.Trảng Bom - Đồng Nai (30/09/2011)

>> Cường Thuận IDICO đang ấp ủ nhiều dự án lớn. (30/09/2011)


Trở lại
 
Xem tin theo ngày
Từ Đến
Tìm kiếm theo tiêu đề
 News Feeds (RSS)